Căn cứ vào đặc điểm của nước thải nhà máy, yêu cầu cần thiết kế hệ thống xử lý nước thải phải đảm bảo làm giảm BOD5, loại bỏ chất rắn lơ lửng (TSS), giảm Amoni, Nitrat, Phosphat và khử trùng là chủ yếu. Ngoài ra cần được xử lý sơ bộ để loại bỏ các rác thô gây hại cho máy bơm cũng như cả hệ thống xử lý phía sau. Với tính chất nước thải và yêu cầu xử lý đã nêu trên, đề xuất công nghệ xử lý cho trạm xử lý nước thải gồm các công đoạn như sơ đồ sau.
Do tính chất nước thải chứa nhiều thành phần ô nhiễm khác nhau, để xử lý triệt để các thành phần ô nhiễm này đòi hỏi phải kết hợp nhiều phương pháp xử lý khác nhau. Một cách tổng quát, các phương pháp xử lý nước thải ở các nhà máy thường được chia thành 3 loại:
- Phương pháp xử lý cơ học bao gồm: song chắn rác, bể thu gom, bể điều hòa,….
- Phương pháp xử lý sinh học bao gồm: bể sinh học hiếu khí,…
- Phương pháp xử lý hóa lý bao gồm: bể lắng đứng, bể khử trùng, bể chứa bùn,…
Để vận hành hệ thống tốt, không bị sự cố, người vận hành phải đọc kỹ và hiểu rõ quá trình điều khiển của tủ điều khiển và chế độ hoạt động của từng thiết bị trong hệ thống được mô tả trong nội dung dưới đây:
Thuyết minh sơ đồ công nghệ:
1. Bể thu thu gom
- Chức năng: Dùng để chứa nước thải đầu vào từ các nguồn của nhà máy, là nơi đầu tiên thực hiện quá trình xử lý cơ học, sinh học của hệ thống khi lắp đặt. Nước thải được dẫn qua rọ thu rác tinh nhằm loại bỏ rác có kích thước lớn >5mm, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý nước thải.
2. Bể điều hòa
- Chức năng: Thuộc giai đoạn xử lý sơ cấp của cả hệ thống. Nước từ bể thu gom được bơm sang bể điều hòa nhằm điều hòa lưu lượng cũng như chất lượng nước thải. Bể điều hòa có bố trí hệ thống sục khí dưới đáy bể bằng các đĩa khí thô để làm thoáng nước thải và khuấy trộn đồng đều nồng độ nước thải trước khi vào các bước xử lý tiếp theo.
3. Bể hiếu khí (Oxic)
- Bể hiếu khí (Oxic): Bể sinh học hiếu khí là một khâu xử lý không thể thiếu trong hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt có hàm lượng chất hữu cơ cao. Tại đây, phần lớn chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học được xử lý làm cho BOD nước thải giảm xuống, đủ tiêu chuẩn nước thải đầu ra.
4. Bể Lắng
- Chức năng: Chia sản phẩm từ bể xử lý sinh học thành hai phần:
- Nước: Được đưa qua bể khử trùng thông qua hệ thống máng thu nước.
- Bùn hoạt tính: Phần lớn lượng bùn hoạt tính được bơm sang bể bùn, và phần còn lại được đưa về bể Oxic theo đường bùn tuần hoàn, nhằm cung cấp bùn hoạt tính bổ sung vi sinh vật.
5. Khử trùng &bể bùn.
- Khử trùng: Tại điểm ra của nước thải sau bể lắng được tiếp xúc trực tiếp với hóa chất khử trùng: Clorine, Javen…nhằm tiêu diệt các vi sinh vật gây hại trong nước trước khi được thải ra môi trường.
- Bể bùn: Chứa bùn thải của trạm xử lý, bùn phải được lấy thủ công mang đi chôn lấp (6 tháng hút lấy bùn một lần)
QUY TRÌNH VẬN HÀNH
- Kiểm tra tình trạng hoạt động của tất cả các máy móc thiết bị trong hệ thống bao gồm: các bơm nước thải đặt chìm, máy thổi khí đặt cạn, bơm bùn tuần hoàn, bơm định lượng hóa chất, đồng hồ đo lưu lượng nước thải….
- Kiểm tra thùng chứa hóa chất: lượng hóa chất phải chuẩn bị đủ cho hệ thống làm việc….
- Kiểm tra tình trạng các van đóng mở của toàn hệ thống.
- Chuẩn bị hóa chất khử trùng
- Vận hành khởi động hệ thống.