(TN&MT) - Đại học Colorado Boulder (Mỹ) vừa công bố một nghiên cứu cho thấy nhu cầu sử dụng nước gia tăng sẽ là mối đe dọa số 1 đối với an ninh lương thực trong 20 năm tới, theo sau là các đợt nắng nóng, hạn hán, bất bình đẳng thu nhập và bất ổn chính trị. Nghiên cứu kêu gọi tăng cường hợp tác để xây dựng nguồn cung cấp lương thực toàn cầu linh hoạt hơn.
Theo Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới (WB), nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh mức độ nạn đói trên toàn cầu vào năm ngoái đã vượt qua kỷ lục trước đó vào năm 2020 và tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng ở nhiều quốc gia có thể tiếp tục tồi tệ hơn trong năm nay.
Những mối đe dọa cấp bách này không phải là mới. Các tác động của xung đột chính trị và tác động tổng hợp của biến đổi khí hậu đến môi trường đã được nghiên cứu trên khắp thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy việc tăng cường hợp tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu không chỉ củng cố an ninh lương thực toàn cầu khi đối mặt với bất kỳ một trong những mối đe dọa này, mà còn giúp nó chống lại tất cả các mối đe doạ tổng hợp.
Ông Zia Mehrabi, tác giả chính của nghiên cứu, trợ lý giáo sư về nghiên cứu môi trường và tại Trung tâm Mortenson về Kỹ thuật Toàn cầu cho biết: “Nhóm nghiên cứu ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng xây dựng hệ thống lương thực linh hoạt tổng thể hơn, thay vì cố gắng giải quyết các vấn đề riêng lẻ. Việc xây dựng hệ thống lương thực linh hoạt tại chỗ sẽ giúp hệ thống này có thể đối phó với tất cả các loại cú sốc khác nhau về khí hậu, môi trường hay chính trị”.
Theo một phân tích gần đây của WB, cuộc chiến ở Ukraine, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự suy thoái kinh tế liên tục do đại dịch COVID-19 đang làm đảo ngược sự phát triển qua các năm và đẩy giá lương thực lên mức cao nhất mọi thời đại - chống lại mục tiêu của Liên Hợp Quốc về việc chấm dứt nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức vào năm 2030.
Ngoài ra, các hiện tượng cực đoan như sóng nhiệt, lũ lụt và hạn hán đang gia tăng.
Mặc dù các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đang thúc đẩy các giải pháp để cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống lương thực, nhưng họ thường làm việc riêng lẻ - giải quyết từng vấn đề. Nghiên cứu mới cho thấy nhu cầu lớn về sự cộng tác và phối hợp giữa các nhà nghiên cứu về các mối đe dọa cụ thể đối với hệ thống lương thực, để những người ra quyết định có thông tin toàn diện, mô hình cập nhật và các công cụ liên quan khi các mối đe dọa xuất hiện.
Xung đột, khí hậu và khả năng thích ứng
Trước đại dịch COVID-19, vào năm 2019, các nhà nghiên cứu đã khảo sát 69 chuyên gia toàn cầu trong các lĩnh vực khác nhau liên quan đến an ninh lương thực. Họ đã xếp hạng 32 mối đe dọa an ninh lương thực hàng đầu theo cả tác động và xác suất của chúng trong 2 thập kỷ tới.
Họ phát hiện nhiều hiện tượng môi trường do biến đổi khí hậu - chẳng hạn như những thay đổi thời tiết không thể đoán trước - có thể gây ra những tác động tiêu cực lớn nhất đến an ninh lương thực. Xét cả tác động và xác suất của chúng, nhu cầu nước gia tăng, hạn hán, sóng nhiệt và sự sụp đổ của các dịch vụ hệ sinh thái được xếp hạng cao nhất.
Tuy nhiên, họ cũng nhận thấy rằng các mối đe dọa đối với an ninh lương thực do bất bình đẳng thu nhập, cú sốc giá toàn cầu, bất ổn chính trị và di cư có khả năng xảy ra cao trong 2 thập kỷ tới đã đưa những mối đe dọa này vào top 10.
Hơn 50% dân số bị mất an ninh lương thực trên thế giới sống ở các khu vực dễ xảy ra xung đột gồm: các quốc gia hoặc các khu vực có bất ổn chính trị, khủng bố, bất ổn dân sự hoặc xung đột vũ trang. Tình trạng di cư và di dời do các cuộc xung đột này gây ra được xếp hạng trong 5 mối đe dọa có thể xảy ra nhất đối với an ninh lương thực toàn cầu trong 20 năm tới.
Ông Mehrabi cho biết: “An ninh lương thực không phải là vấn đề sản xuất, mà là vấn đề phân phối, tiếp cận và đói nghèo, và điều đó càng trở nên trầm trọng hơn do xung đột. Xung đột không chỉ khiến con người dễ bị tổn thương hơn mà còn hạn chế khả năng thích ứng của họ”.
Nghiên cứu khả năng phục hồi
Ông Mehrabi cho rằng, mặc dù chúng ta không thể thay đổi nơi phân bố đất nông nghiệp, nhưng các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách có thể đặt câu hỏi: Làm thế nào để các quốc gia có thể đa dạng hóa sản xuất lương thực, cả về địa điểm và sản lượng dinh dưỡng?
Các nhà nghiên cứu cũng có thể tạo ra các bản đồ và dự đoán tốt hơn, có thể công bố các giải pháp chủ động để bảo vệ an ninh lương thực trước, trong và sau các hiện tượng khắc nghiệt. Ông Mehrabi cho hay, việc thu thập dữ liệu từ bản đồ không theo kịp các công cụ tiên tiến dành cho các nhà nghiên cứu ngày nay để dự đoán và nhiều mô hình không được xác thực với các phép đo phù hợp trên mặt đất.
Ông Mehrabi nhấn mạnh: "Chúng ta có thể thấy điều đó đang xảy ra trong thế giới của chúng ta ngay bây giờ, xung đột và khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn. Theo các xu hướng và các chuyên gia, điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai. Chúng ta sẽ xây dựng và quản lý các hệ thống lương thực có khả năng chống chọi với tất cả các loại chấn động và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như thế nào? Chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ về cách chúng ta có thể xây dựng các hệ thống có thể thích ứng và đối phó với tất cả vấn đề này”.
Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường số tháng 7/2022